Giáo viên là một trong những ”bí quyết” làm nên thành công của giáo dục Phần Lan như được thế giới biết đến ngày nay.
Để có được đội ngũ giáo viên có chất lượng, từ năm 1974 việc đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được thực hiện ở các trường đại học.
Năm 1979 việc đổi mới giáo dục đại học được thực hiện, bằng cấp giáo dục có giá trị ngang như các bộ môn khác, đồng thời từ năm này giáo viên tốt nghiệp được cấp bằng thạc sĩ, trong đó các giáo viên dạy từ lớp 1-6 dạy chung các môn, còn giáo viên dạy từ lớp 7-12 dạy các môn riêng biệt.
Từ năm 1995 giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo cũng được đào tạo ở trường đại học.
Điểm đặc biệt của việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan là từ giáo viên tiểu học đến giáo viên trung học đều phải học có bằng thạc sĩ. Còn giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo cần có bằng cử nhân.
Mục đích của chương trình đào tạo giáo viên là nhằm đào tạo những công dân hiện đại, có năng lực giảng dạy và đào tạo người dân Phần Lan và nâng cao bản sắc của quốc gia non trẻ.
1. Quy trình xét tuyển:
Giáo viên là nghề được đề cao và tôn trọng trong xã hội Phần Lan.
Vì thế hàng năm số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm ở các trường đại học rất lớn và chỉ khoảng một phần mười trong số đăng ký được chọn lựa (Pasi Sahlberg, 2016).
Việc tuyển chọn thí sinh do các trường đào tạo phụ trách và được tiến hành một cách kỹ lưỡng qua hai giai đoạn:
– Trước hết ban tuyển sinh sẽ lựa chọn trong danh sách đăng ký một số lượng nhiều gấp 4 hoặc 5 lần số chỉ tiêu đào tạo dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và điểm số các môn trong các năm học cuối cấp của các thí sinh.
Những thí sinh có kinh nghiệm làm việc với trẻ em có thể được cộng thêm điểm.
– Giai đoạn hai gồm ba bước, bắt đầu bằng một bài thi viết dựa trên một cuốn sách được chọn.
Tiếp theo là một bài thi tương tác xã hội và kỹ năng giao tiếp.
Cuối cùng là một bài phỏng vấn trực tiếp với ban giám khảo xung quanh lý do muốn trở thành giáo viên của thí sinh.
Việc tuyển chọn còn bao gồm cả những kiểm tra về sức khỏe.
Vấn đề đạo đức, lối sống cũng rất được coi trọng trong suốt quá trình đào tạo.
Các sinh viên được tiếp tục việc học nếu duy trì những thói quen ứng xử và lối sống hàng ngày không chỉ trong phạm vi trường học mà cả ngoài giờ học và ở ngoài trường học.
Chẳng hạn việc đi quán bar, sàn nhảy hay hút thuốc trước đây bị cấm và nếu vi phạm sẽ bị đuổi.
2. Chương trình đào tạo:
Hiện nay Phần Lan có 8 trường đại học đào tạo giáo viên nhằm đạo tạo các nhóm giáo viên:
– Giáo viên dạy lớp: dạy tất cả các môn của các lớp từ 1-6
– Giáo viên dạy môn: dạy một hoặc hai ba môn của các lớp từ 7-9 hoặc ở trung học phổ thông (10-12), ở các trường trung cấp và dạy nghề, và ở các lớp thuộc trung tâm giáo dục dành cho người lớn.
– Giáo viên đặc biệt: gồm giáo viên đặc biệt ở nhà trẻ, mẫu giáo và giáo viên ở tiểu học để dạy các học sinh cần có thêm sự giúp đỡ.
– Giáo viên tư vấn và hướng nghiệp: Nhằm hướng dẫn và tư vấn cho học sinh ở trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Các trường tự quyết định việc tuyển sinh cũng như chương trình đào tạo của mình.
Điểm đáng chú ý của chương trình đào tạo giáo viên ở Phần Lan là đào tạo theo hướng nghiên cứu nhằm đào tạo ra những giáo viên không chỉ có khả năng giảng dạy và còn có khả năng nghiên cứu độc lập.
Các trường đào tạo các giáo viên sau:
Chương trình đào tạo giáo viên dạy lớp gồm: giáo dục học với 75 chứng chỉ, còn lại là các môn mà giáo viên sẽ dạy ở trường với 30-35 chứng chỉ và nghiệp vụ sư phạm với 35 chứng chỉ.
Chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn riêng lẻ kéo dài 4-5 năm với môn chính và 1 đến 2 môn phụ. Từ năm thứ ba sinh viên bắt đầu học giáo dục học.
Tất cả các giáo viên dạy các lớp từ tiểu học đến trung học đều phải có bằng thạc sĩ với 160-180 chứng chỉ, tức 4-6 năm học (mỗi chứng chỉ tương đương 40 giờ học).
Giáo viên tiểu học cần có bằng thạc sĩ về giáo dục. Còn giáo viên trung học cần có bằng thạc sĩ về môn học mình dạy với một môn chính có ít nhất 55 chứng chỉ và một môn phụ với ít nhất 35 chứng chỉ.
Tất cả các sinh viên ngành sư phạm (trừ các sinh viên nhà trẻ mẫu giáo) đều phải học chương trình nghiên cứu sư phạm với 35 chứng chỉ.
Cùng với việc học lý thuyết, chương trình còn kết hợp với thực tập giảng dạy tại các cơ sở riêng của các trường sư phạm hoặc liên kết nhằm phát triển kỹ năng của các giáo viên tương lai.
Việc thực hành giảng dạy giữ một vai trò rất quan trọng, được thực hiện với nhiều lớp, nhiều lứa tuổi học sinh ở các giai đoạn khác nhau.
Với chương trình này các giáo viên dạy từng môn và giáo viên dạy nhiều môn có thể hoán chuyển công việc bằng cách chỉ bổ sung thêm các chứng chỉ mà họ còn thiếu chứ không cần học lại.
Giáo viên các trường dạy nghề: được đào tạo ở năm trường đào tạo giáo viên liên kết với các đại học thực hành.
Việc đào tạo giáo viên dạy nghề có thể được thực hiện dưới hai hình thức: toàn bộ thời gian và bán thời gian (kết hợp học với làm).
Trình độ của giáo viên dạy nghề được đánh giá dựa trên bằng cấp và kinh nghiệm công việc.
Theo kết quả điều tra “The 2013 Teaching and Learning International Survey (TALIS)” của OECD, lương trung bình của giáo viên Phần Lan là 39.500 USD (15 năm kinh nghiệm), không cao hơn so với mức trung bình: 42.700USD/tháng của các nước thuộc OECD.
Tuy nhiên số giờ dạy ít hơn: 673 giờ ở tiểu học, 589 giờ ở trung học cơ sở và 547 giờ ở trung học phổ thông, ít hơn khoảng 100 giờ so với trung bình của các nước OECD).
Mặc dù vậy giáo viên vẫn là nghề được yêu thích hơn nhiều nghề khác ở Phần Lan và tỉ lệ sinh viên đăng kí được học làm giáo viên hàng năm vẫn cao so với nhiều ngành khác.
“Điều quan trọng là xã hội Phần Lan coi trọng và đánh giá cao nghề giáo” (Andere, 2013).
Trình độ chuyên môn cao của ngành sư phạm ngoài việc đảm bảo cho những người học không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, làm chủ công việc giảng dạy trong ngành giáo dục mà còn giúp họ dễ dàng tìm được việc làm khác.
Một bằng chứng rõ nhất là một số người vốn được đào tạo từ các trường sư phạm đã trở thành Bộ trưởng tài chính trong một số chính phủ của Phần Lan và làm việc rất tốt, như Jutta Urpillainen, Antti Kalliomäki.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị viên chức Viện Nghiên cứu Sư phạm năm học 2024-2025 diễn ra thành công tốt đẹp!
Tập huấn Trưởng, Phó đoàn và sinh viên K48 thực tập sư phạm đợt 1 năm học 2024-2025
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo