“Học qua mạng” trong kí ức thế hệ 8X
Phạm Thị Dung (sinh năm 1989, hiện công tác tại UBND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) kể lại kỉ niệm những ngày đầu học trực tuyến:
“Thời của mình, Internet là một điều vô cùng mới mẻ và gây nghiện đơn giản chỉ với chat chít qua Yahoo. Nó mới đến độ mà phần đa phụ huynh quy chụp lên mạng là gắn với chơi game, như một điều gì đó sai trái. Nếu bị bố mẹ bắt gặp trong quán internet và nói rằng “con đang học bài” thì bạn sẽ bị quy tội cãi trả ngay tức thì. Thậm chí, mình từng chứng kiến không ít ông bố bà mẹ đánh con ngay tại quán nét mà chưa cần biết đang học hay chơi game”.
Bản thân Dung bén duyên với học trực tuyến sau một lần thi thử đại học.
Cứ khoảng 23h mỗi ngày, Dung đều bật máy tính lên bấm thời gian làm bài.
“Bài giảng đầu tiên mình học là của thầy Phan Huy Khải – thầy giáo nổi tiếng với bộ sách Toán nâng cao mà học sinh nào thời ấy cũng biết đến. Bố mẹ mình mới đầu thấy vậy cũng tỏ ra rất nghi ngại. Có lần còn bất ngờ xuất hiện vì tưởng mình mở máy tính làm gì mờ ám, sau khi biết mình học thì thắc mắc: “Trên mạng cũng có lớp để học à con?”. Mình cũng cho bố mẹ cùng trải nghiệm và minh chứng hiệu quả rõ nhất có lẽ là việc năm đó, mình thi được 22 điểm – điểm số không tưởng với chính mình”, Dung kể lại.
Còn Mai Thế Mạnh, hiện là một kỹ sư, kể về kỷ niệm vui khi học trực tuyến:
“Cuối năm 2008, sau một lần tình cờ xem bài giảng Vật lí của thầy giáo Đoàn Công Thạo, mình trở thành khách quen của quán internet. Thời ấy, giới trẻ phát cuồng và chỉ quen với các trò chơi như Half-Life, đế chế,… nên việc một người ôm sách bút ngồi học bài ngay trong quán internet có vẻ là rất dị thường, thậm chí bị coi là chơi trội, “làm màu”. Giờ nhìn lại mới thấy bài giảng trực tuyến hồi đó như đồ cổ, chất lượng video không tốt, nhiều tiếng ồn vì được quay trực tiếp tại lớp học nhưng chẳng hiểu sao hồi đó mình đã mê đến mức xem đi xem lại”.
Dung và Mạnh là những thế hệ đầu trải nghiệm việc học và thi trực tuyến.
Trên thực tế, trong 10 năm, có rất nhiều cái tên cơ sở giáo dục trực tuyến mọc lên nhưng cũng không ít bị đào thải, nhường chỗ cho một vài cơ sở đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, dịch vụ và kiên trì theo đuổi giá trị giáo dục mà học trực tuyến mang lại.
Trở thành mắt xích không thể thiếu trong ôn thi đại học
Cùng với sự phát triển của Internet, hiện số lượng người học theo học trực tuyến những năm gần đây cũng tăng rất nhanh.
Ở những khóa học này, học sinh tham gia học trực tuyến ngoài giờ để chủ động củng cố vận dụng kiến thức, luyện thi theo giáo án bài bản được các thầy cô nổi tiếng biên soạn, thi thử đại học trực tuyến,…
Ưu điểm mà nhiều người nhận ra là môi trường trực tuyến giúp học sinh cập nhật, tiếp cận nhanh thông tin tuyển sinh, quy chế thi và những điều cần chuẩn bị để đáp ứng với những thay đổi đó.
Tuy nhiên, học trực tuyến không phải là hình thức học vạn năng và nếu không có sự chủ động, tích cực của người học thì bất kể là giáo án hay và giáo viên giỏi cũng khó giúp cải thiện điểm số.
PGS.TS. Phan Huy Khải, một trong những người đầu tiên thực hiện bài giảng online chia sẻ: “Khó nhất của học sinh chính là các em đang sở hữu những bài giảng hay nhưng lại thiếu chủ động lĩnh hội bài giảng đó. Tôi tin rằng nếu người học chăm chỉ thì những bài giảng trực tuyến cộng hưởng với bài giảng trên lớp sẽ giúp cải thiện đáng kể kết quả học tập”.
Nhìn lại chặng đường 10 năm, học trực tuyến từ một hình thức học “dị thường” đã dần trở nên quen thuộc và thiết yếu với học sinh. Bằng sức mạnh và lợi thế về công nghệ, học trực tuyến đã và đang kết nối hàng triệu học sinh và hứa hẹn trở thành ngôi trường chung của người học ở bất kỳ nơi đâu.
Nguồn: Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo
Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025
Trại hè HPU2 Summer Camp 2024 – Sôi nổi và lắng đọng