Đổi mới công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

cho sinh viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn của giáo dục phổ thông

                                                                                             ThS. CVC. Phạm Phú Cam, Viện NCSP

  1. Một số vấn đề chung về rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

1.1. Qúa trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Nghề dạy học là một nghề có tính chất đặc biệt, đối tượng dạy học là các thế hệ học sinh đang phát triển, đa dạng về tính cách, phong phú về tâm hồn và rất nhạy cảm, do đó nó được xếp vào hàng các nghề “nặng nhọc”, là nghề có tính chất “Thiên chức”. Nhiệm vụ của người thầy giáo là dạy học và giáo dục, góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực, nhân cách cho học sinh, do đó nghề dạy học rất sáng tạo, nhân văn, cao quý và vinh quang [1]. Trong đào tạo giáo viên, sinh viên sư phạm (SV) phải thực hiện 2 hoạt động cùng tồn tại và có quan hệ mật thiết với nhau, đó là học tập kiến thức chuyên môn và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm (RLNVSP). Ngoài ra SV phải liên tục phấn đấu rèn luyện nhân cách sư phạm để có được đạo đức nghề nghiệp.

Nghiệp vụ sư phạm không chỉ là một hệ thống kỹ năng mà bao gồm cả hệ thống tri thức và các phẩm chất nghề nghiệp mà một giáo viên cần phải có để trở thành nhà giáo dục (Bao hàm cả việc hình thành nhân cách cho học sinh).

RLNVSP, còn gọi là rèn nghề, là “tập làm công việc chuyên môn của nghề dạy học” hay nói cách khác là qúa trình hình thành và rèn luyện các năng lực sư phạm cốt lõi cho sinh viên, góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực cho người giáo viên tương lai [2].

Quá trình RLNVSP là một quá trình liên tục, giúp cho sinh viên có những kỹ năng, kỹ xảo là khâu nối giữa lý thuyết và thực hành một cách liên tục và khoa học. Trong các cơ sở đào tạo, đây là một trong những nội dung rất phù hợp để kết hợp rèn luyện kĩ năng sống cho sinh viên. Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh rằng, nếu trong thời gian đào tạo, sinh viên sư phạm được RLNVSP bài bản, khoa học thì họ sẽ có năng lực nghề vững vàng, được các địa phương tuyển dụng và ổn định nghề nghiệp khi ra trường.

1.2. Mục tiêu rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

– Mục tiêu chung: Hình thành cho sinh viên các kỹ năng hoạt động nghề nghiệp phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của người giáo viên sẽ giảng dạy, giáo dục ở trường phổ thông.

– Mục tiêu cụ thể: Hình thành cho sinh viên một số kỹ năng cơ bản về hoạt động dạy học bộ môn: Kỹ năng nghiên cứu nội dung dạy học;  kỹ năng soạn giáo án, tập bài giảng; rèn luyện cách phát âm chuẩn, viết chữ, và trình bày bảng đẹp, làm đồ dùng dạy học; Rèn kỹ năng diễn đạt mạch lạc dễ hiểu; rèn kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống sư phạm xảy ra trong hoạt động giáo dục; rèn luyện các kỹ năng xem xét, quan sát, ghi chép, đánh giá trong khi đi dự giờ, trao đổi học thuật, trao đổi chuyên môn…

1.2.1. Mục tiêu về kiến thức

Sau khi học xong các tín chỉ về RLNVSP, sinh viên nắm được:

– Vị trí, vai trò, ý nghĩa, nội dung, phương pháp tự đánh giá kết quả RLNVSP;

– Sinh viên được tập luyện các thao tác cụ thể của hoạt động giảng dạy và giáo dục, qua đó hình thành những kỹ năng cơ sở, cơ bản, có các phương pháp sư phạm, tư duy sư phạm và lòng yêu nghề dạy học;

– Thông qua rèn luyện NVSP, sinh viên có được “tay nghề” để thực hành khi ra trường công tác.

1.2.2. Mục tiêu về kĩ năng

Sau khi học xong các tín chỉ về RLNVSP, sinh viên được trang bị:

– Các kỹ năng nghiệp vụ dạy học: Thiết kế kế hoạch dạy học; Lựa chọn tri thức; Phân loại, phối hợp các phương pháp dạy học; Tìm hiểu và nắm vững đối tượng, môi trường dạy học; Khả năng ngôn ngữ, diễn đạt ý tưởng; Sử dụng các phương tiện dạy học; Tổ chức, quản lí, điều khiển học sinh; Ứng xử sư phạm nhanh, đúng các tình huống có vấn đề trong dạy học; Thuyết phục học sinh; Kiểm tra đánh giá kết quả dạy học và một số kỹ năng khác…

– Các kỹ năng nghiệp vụ giáo dục : Xây dựng kế hoạch giáo dục; Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động giáo dục; Khả năng đối xử cá biệt; Điều chỉnh hoạt động giáo dục; Thuyết phục, cảm hoá học sinh; Vận động, lôi cuốn, phối hợp giáo dục; Xây dựng tập thể học sinh; Giao tiếp, ứng xử sư phạm…

Nghiệp vụ về dạy học và giáo dục thống nhất biện chứng cùng với các yếu tố khác trong nhân cách người thầy giáo. Quá trình đào tạo ở trường sư phạm mới chỉ mang lại cho sinh viên những kiến thức và kĩ năng tối thiểu để dạy học và giáo dục. Muốn trở thành một thầy giáo giỏi thì phải vừa công tác vừa rút kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học giáo dục, học tập đồng nghiệp và luôn luôn kiểm tra, đánh giá bản thân nhằm không ngừng điều chỉnh và hoàn thiện nhân cách sư phạm.

1.3. Nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu

Theo Thông tư số 40/2011/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 9 năm 2011, của Bộ GD&ĐT, để trở thành giáo viên THPT, trong rèn luyện NVSP, sinh viên ngành sư phạm phải được học 20 tín chỉ sau: Tâm lý học (3 tc), Giáo dục học đại cương và lý luận giáo dục (3tc), Lý luận dạy học (2tc), Giao tiếp và ứng xử sư phạm (2tc), Quản lý hành chính nhà nước và quản lý ngành giáo dục – đào tạo (1tc), Quản lý nhà trường và công tác giáo viên chủ nhiệm lớp (3tc), Chương trình và phương pháp dạy học bộ môn (4tc), Đánh giá trong giáo dục trung học phổ thông (2tc) [4].

Có thể thấy, ngoài những nội dung mang tính lý luận, làm cơ sở khoa học, SV còn phải học những nội dung có tính chất rèn nghề, đòi hỏi SV phải đầu tư công sức và cách làm bài bản, sát thực tiễn như: Giao tiếp và ứng xử sư phạm, Quản lý nhà trường và công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, Đánh giá trong giáo dục.

  1. Quản lý hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

RLNVSP là quá trình rèn luyện thường xuyên, liên tục, có hướng dẫn, có tổ chức khoa học, bài bản, theo một chuẩn sư phạm nhất định. Hoạt động RLNVSP là một hoạt động cơ bản, quan trọng, vì vậy, việc quản lý, tổ chức hoạt động này trong các trường đại học sư phạm là rất quan trọng và cần thiết.

Quản lý hoạt động RLNVSP là sự tác động có tổ chức, có mục tiêu nhằm hình thành phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cho SV ngành Sư phạm. Theo đó, quản lý hoạt động RLNVSP là hoạt động quản lý của các cấp: Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo hoặc tương đương, Cấp khoa hoặc tương đương và cấp tổ Bộ môn. Như vậy, quản lý hoạt động RLNVSP trong trường đại học sư phạm thuộc trách nhiệm của nhiều cấp khác nhau, mỗi cấp có nhiệm vụ cụ thể, đứng đầu là Hiệu trưởng, sau là cấp quản lý trực tiếp thuộc khoa chuyên ngành đào tạo. Việc quản lý hoạt động RLNVSP được quy định cụ thể trong Kế hoạch giảng dạy và Kế hoạch công tác năm học.

  1. Đổi mới hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ở Trường ĐHSP Hà Nội 2, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của giáo dục phổ thông

Đổi mới hoạt động RLNVSP là đổi mới về nội dung, phương thức, kiểm tra đánh giá, cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện dạy học và đổi mới về quản lý đối với hoạt động này.

Nghị quyết 29/NQ-TW (Khóa XI) của Đảng đã chỉ ra phương hướng nhiệm vụ cụ thể của công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là: “Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” [3]. Như vậy, về định hướng, RLNVSP là phải theo hướng “coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học” là rèn luyện theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông và mầm non “tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”.

Theo Chương trình giáo dục đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số: 105/QĐ-ĐHPHN2, ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trong nội dung về lĩnh vực kiến thức chuyên môn, đã được bố trí 2 tín chỉ Thực hành sư phạm (xấp xỉ 30 tiết, đối với các Khoa, 2 TC cho giảng dạy và 1 TC cho công tác chủ nhiệm).

5.1. Đổi mới nội dung công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, những năm gần đây, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tăng cường công tác RLNVSP, giao Phòng Đào tạo, Viện Nghiên cứu Sư phạm (NCSP) phối hợp với các khoa cải tiến nội dung, phương pháp và cách thức tiến hành công tác này.

– Về nội dung: Kế thừa những nội dung đã được thực hiện từ các năm trước,  năm 2016 Viện NCSP và các khoa đã tăng cường công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm theo hướng: “ Đủ lý thuyết, trọng thực hành”. Đầu tư và rèn kỹ năng thuyết trình, kỹ năng trình bày bảng, kỹ năng sử dụng CNTT và truyền thông trong dạy học. Đối với ngành Sư phạm Tiểu học, Viện NCSP đã mời giáo viên, chuyên gia của Trường Đội Lê Duẩn, Hà Nội lên giảng dạy và hướng dẫn thực hành nội dung Công tác Đội Thiếu niên. Để tăng cường kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên, Viện NCSP đã tổ chức nhiều đợt xêmina về công tác tác này (Tại Hưng Yên và tại Viện NCSP), đồng thời mời các chuyên gia giỏi về lĩnh vực công tác chủ nhiệm lớp đến tập huấn và rèn luyện các kỹ năng xử ký tình huống sư phạm cho tất cả sinh viên hệ sư phạm trong trường.

5.2. Đổi mới phương thức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Hằng năm, trong hội nghị triển khai công tác đào tạo, nhà trường đã liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung công tác RLNVSP cho phù hợp, tập trung vào các vấn đề có tính chất thực hành và sát với thực tiễn. Nhà trường đã thành lập Viện NCSP, trên cơ sở Trung tâm NVSP, giao đặc trách về chuyên môn trong RLNVSP cho Viện này.

– Về cách thức tiến hành: Từ năm 2016, Viện NCSP đã phối hợp với các khoa và các đơn vị ngoài trường tổ chức rèn nghề cho sinh viên theo phương thức mới, gồm 2 bước.

+ Bước 1, rèn nghề tại Viện NCSP. Ở bước này, sau khi học lý thuyết, các sinh viên được bố trí thực hành theo nhóm với hình thức “tổ chức sự kiện”, theo đó mỗi sự kiện tương ứng với một loại kỹ năng cần hình thành ở SV. Chẳng hạn: Để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, SV phải tự xây dựng kịch bản để thuyết minh về một đề tài nào đó, ví dụ: “Thời trang giáo viên”. Sinh viên tự lập kế hoạch và nội dung thực hành. Mỗi sinh viên sẽ báo cáo kết quả bài thi dưới dạng một bài thuyết trình (Có minh họa), một VIDEO hoặc tổ chức một sự kiện thời sự, chính trị có nội dung: Thuyết trình, trình bày bảng, sử dụng CNTT để Giám khảo chấm điểm. Ban Giám khảo chính là các sinh viên trong cùng nhóm với nhau, họ tự đánh giá và đánh giá chéo lẫn nhau theo hệ tiêu chí mà giảng viên đặt ra. Giảng viên là người tổ chức, hướng dẫn, cố vấn và đánh giá mức đạt cuối cùng của bài thi. Điểm mới và hay của hình thức học và thi này là trong khi báo cáo bài thi, sinh viên có quyền ra các tình huống bất ngờ, để người thi phải “xử lý các tình huống tại trận”. Đây là điểm mới rất hấp dẫn, các sinh viên rất hào hứng tham gia. Việc rèn nghề đã thu hút được hầu hết SV, các buổi học đã có chất lượng thực sự. Ngoài các kỹ năng cơ bản nêu trên, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, kỹ năng lập kế hoạch hoạt động, kỹ năng làm một Clip ngắn, kỹ năng tổ chức một hoạt động trải nghiệm, sáng tạo v.v. góp phần vào hành trang nghề nghiệp cho sinh viên.

+ Bước 2, sinh viên xuống thực hành nghề tại trường phổ thông. Toàn bộ công tác này do Viện NCSP tổ chức và quản lý. Khi thực hành nghề tại trường phổ thông, SV phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu và nhiệm vụ của trường phổ thông theo quy định. Viện NCSP chỉ đạo SV tìm hiểu, nghiên cứu và tìm cách lý giải những nội dung, vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn giáo dục để kiến nghị sửa đổi hoặc bổ sung cho các đợt thực hành nghề tiếp theo. Sau thực tế 5 tuần đi thực hành nghề, SV thu được kết quả rất cao, khơi dậy được tình yêu và trách nghiệm nghề nghiệp. (Mỗi sinh viên có 3 báo cáo thu hoạch: một báo cáo về tình hình trường phổ thông nơi thực hành nghề, một báo cáo về công tác giáo dục, giảng dạy, một báo cáo về công tác hoạt động trải nghiệm sáng tạo).

5.3. Tổ chức các hoạt động bổ trợ hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Ngoài các hoạt động chính quy nêu trên, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã làm tốt các hoạt động bổ trợ cho công tác RLNVSP. Các khoa đã thành lập Câu lạc bộ Nghiệp vụ sư phạm. Viện NCSP đã thành lập Câu lạc bộ Nghiệp vụ sư phạm cấp trường, đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác RLNVSP hiện nay. Hằng năm, nhà trường tổ chức Hội thi NVSP cấp khoa và cấp trường, với nội dung thi Sân khấu hóa và thi giảng dạy. Viện NCSP đã mở các lớp tập huấn về: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; “Kỹ năng viết chữ đẹp và Kỹ năng trình bày bảng cho sinh viên”; Kỹ năng “Phân tích định lượng (phương pháp xử lý, phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS & phần mềm IATA)” khoá 1 và 2; Kỹ năng “Kiểm tra, đánh giá trong giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực”; Tổ chức các hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ sư phạm.

Các hoạt động tăng cường công tác RLNVSP đã có tác dụng và ý nghĩa rất lớn, là sân chơi bổ ích để sinh viên nâng cao tay nghề, đồng thời có tác dụng kép là  rèn luyện bản lĩnh và tình yêu nghề nghiệp – một phẩm chất nghề nghiệp rất quan trọng cho sinh viên hiện nay.

  1. Kết quả của đổi mới hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Với tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giáo dục phổ thông, nhiều năm qua, nhà trường đã rất quan tâm đầu tư cho công tác RLNVSP, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đào tạo.

Sinh viên ra trường đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, một số ngành đào tạo ra có “tay nghề” cao, được xã hội thừa nhận và được tuyển dụng sớm như ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non.

– Về cách thức tổ chức RLNVSP, đã đổi mới từ việc chủ yếu học lý thuyết, ít thực hành sang phương thức: “đủ lý thuyết, trọng thực hành”. Việc đổi mới này đã kích thích động cơ học tập của sinh viên. Nếu trước đây, có sinh viên còn coi nhẹ môn học rèn nghề, hoặc học chiếu lệ, thì nay đã trở nên coi trọng và đầu tư nhiều công sức cho môn học này. Điều này dễ lý giải vì sinh viên đã thay đổi nhận thức, hơn nữa những buổi RLNVSP đã trở thành “sân chơi, bổ ích” của sinh viên.

– Về công tác quản lý RLNVSP đã có sự đổi mới hiệu quả, đúng hướng, tạo ra sự đồng thuận và huy động được sức sáng tạo, hợp lực của toàn trường. Nếu trước đây, công tác RLNVSP chỉ chủ yếu do một bộ môn tổ chức và quản lý, thì nay đã được giao cho Phòng Đào tạo, Viện NCSP kết hợp với tất cả các khoa, trung tâm  trong toàn trường cùng chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý. Các thành viên nêu trên được giao nhiệm vụ cụ thể, được tổ chức làm việc bài bản và khoa học. Đã huy động được đội ngũ giảng viên, chuyên gia có tâm huyết, có chuyên môn giỏi làm nhiệm vụ RLNVSP cho sinh viên. Việc làm trên đã đạt hiệu quả kép, sinh viên được rèn nghề tốt hơn; giảng viên có thêm kinh nghiệm giảng dạy và có cơ hội để nâng cao trình độ; mối liên kết, hợp tác giữa nhà trường với các đơn vị khác được cải thiện và phát triển.

  1. Phương hướng, nhiệm vụ mới của công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Để đáp ứng yêu cầu của công tác RLNVSP hiện nay, để chuẩn bị cho việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và cải tiến một số khâu của quá trình RLNVSP, đó là:

– Giao cho Viện NCSP nghiên cứu, xây dựng, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác RLNVSP. Tạo cơ chế, chính sách mới, sáng tạo và hợp lý để thu hút và động viên đội ngũ chuyên gia này. Tăng cường công tác hợp tác, trao đổi chuyên gia, thỉnh giảng với các đơn vị trong và ngoài nước.

– Về nội dung RLNVSP: Qua thực tế công tác thực hành nghề tháng 4 năm 2017 và qua các ý kiến tại Hội nghị Tổng kết công tác TTSP vừa qua [5] cho thấy, đối với ngành Giáo dục mầm non sẽ tăng cường thêm nội dung về “chăm sóc và giáo dục trẻ em” (vì số sinh viên ngành này gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ, nhất là nội dung nấu ăn và chăm sóc trẻ). Tiếp tục đầu tư vào một số kỹ năng cơ bản như: Rèn kỹ năng lập kế hoạch bài học (giáo án) của SV ngành tiểu học; Kỹ năng ứng dụng CNTT vào dạy học và tập giảng của SV khối THPT và kỹ năng làm quen với trẻ của SV ngành Mầm non. Câu lạc bộ Nghiệp vụ sư phạm tăng cường thêm các hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng lập kế hoạch làm việc, kỹ năng kiểm soát và làm chủ cảm xúc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng văn hóa, nghệ thuật, TDTT…để sinh viên chủ động và dễ thu hút học sinh khi làm công tác thực hành nghề và TTSP.

– Về cách thức tổ chức RLNVSP: Nhà trường tiếp tục theo hướng:“Đủ lý thuyết, trọng thực hành”. Các giờ thực hành nghề được tổ chức hài hòa giữa việc học lý thuyết với học thực hành nghề. Viện NCSP kết hợp với các khoa thiết kế hệ thống kỹ năng cơ bản đối với từng ngành học, để làm căn cứ cho việc thiết kế các nội dung dạy học của giảng viên, cũng như sinh viên biết để chủ động lập kế hoạch và tìm ra phương pháp học tập phù hợp. Xây dựng và bổ sung thêm “ngân hàng” tình huống sư phạm giả định điển hình ở khối THPT sát với cuộc sống sinh động và phong phú của học đường, tránh lối hàn lâm, học viện. Chuẩn hóa các kỹ năng, NVSP vì hoạt động RLNVSP sẽ tạo thói quen, nếu thói quen chuẩn, tốt và hiệu quả sẽ được duy trì đối với sinh viên ngay cả sau khi SV ra trường. Viện NCSP kết hợp với các khoa, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chuẩn đầu ra của công tác RLNVSP tương ứng với mỗi ngành đào tạo, trước mắt xây dựng quy trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm theo chương trình giáo dục phổ thông mới để đáp ứng đổi mới GD&ĐT hiện nay.

– Về đánh giá kết quả RLNVSP: Việc đánh giá kết quả RLNVSP sẽ thông qua Kết quả đánh giá kết hợp giữa Giảng viên và trường phổ thông, hoặc qua các báo cáo kiểm tra, báo cáo thuyết trình, tổ chức một sự kiện…để qua đó đánh giá đúng năng lực nghề nghiệp thực chất của sinh viên.

– Về hoạt động bổ trợ công tác RLNVSP, Viện NCSP phối hợp với các khoa nghiên cứu cải tiến nội dung và phương thức của Hội thi Nghiệp vụ sư phạm các cấp, theo hướng tập trung vào các kỹ năng cụ thể, cơ bản đối với từng ngành học, bậc học, tránh lối thi dàn trải, cào bằng giữa các ngành đào tạo vì mục tiêu về kiến thức, kỹ năng thái độ của công tác RLNVSP đối với mỗi ngành học là khác nhau. Tăng cường các hoạt động Xemina, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học có nội dung về RLNVSP vì nó rất cần thiết cho hành trang và tay nghề của sinh viên. Đầu tư, trang bị CSVC, thiết bị phục vụ công tác RLNVSP cho phù hợp với các hình thức thực hành nghề hiện nay. Kết nối giờ học trực tuyến giữa các trường phổ thông với các lớp học RLNVSP tại nhà trường, để sinh viên có thể quan sát, thảo luận và kiến tập tại chỗ.

Đổi mới công tác RLNVSP là yêu cầu tất yếu của qúa trình đào tạo giáo viên hiện nay. Để làm tốt công tác này, đỏi hỏi phải có sự tham gia của toàn trường và của mỗi sinh viên ngành sư phạm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo dục học, NXBGD HN 2012.
  2. Hoàng Thị Hạnh,  Kỹ năng cơ bản của sinh viên trong thực tập sư phạm, NXBGD 2016.
  3. Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
  4. Thông tư số 40/2011/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 9 năm 2011, của Bộ GD&ĐT, ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung học phổ thông.
  5. Trường ĐHSP Hà Nội 2, Ý kiến đánh giá, kết luận của Hội nghị Triển khai công tác TTSP năm 2017 tại Hưng Yên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *