Hãy sử dụng năm phương pháp dưới đây để giúp học sinh của bạn xây dựng những kĩ năng cần thiết cho thế kỉ 21.
Hầu hết chúng ta, những giáo viên tin vào sức mạnh của sự hợp tác và việc thường xuyên tham gia trong các hoạt động hợp tác của học sinh. Nhưng có bao nhiêu lần bạn cho học sinh làm việc nhóm và chỉ thấy chúng tương tác với máy tính cá nhân thay vì tương tác với nhau? Hoặc theo đuổi mục đích của cá nhân chúng thay vì tham khảo ý kiến với người khác? Hoặc những phàn nàn của học sinh về một thành viên lười biếng?
Thúc đẩy sự hợp tác thực sự là một thách thức cần phải vượt qua – vì bản thân nó không tự sinh ra. Nếu chúng ta muốn học sinh hợp tác với nhau thực sự, chúng ta cần phải thiết kế nó một cách có chủ đích, như một phần của các hoạt động học tập. Đây là 5 chiến lược để khuyến khích sự hợp tác hiệu quả.
- TẠO RA CÁC HOẠT ĐỘNG PHỨC TẠP
Học sinh cần một lí do để hợp tác với nhau. Nếu nhiệm vụ phân công quá đơn giản, chúng có thể tự làm một cách dễ dàng. Thường thì chúng có thể trao đổi với nhau hoặc tương tác một cách hời hợt. Một lí do thực sự để có thể hợp tác là bởi nhiệm vụ học tập quá phức tạp – nó rất khó và mất nhiều thời gian hoàn thành nếu làm việc độc lập.
Các hoạt động phức tạp là sự thách thức, lôi kéo, kích thích và nhiều trở ngại. Các hoạt động phức tạp yêu cầu “sự phụ thuộc tích cực” (Johnson, Johnson & Holubec, 2008) để đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ, đạt đến thành công, và muốn có điểm số cao đòi hỏi cả nhóm phải làm việc cùng nhau và chia sẻ kiến thức.
Một cách để làm điều này là thông qua các dự án phức tạp, mà đòi hỏi học sinh xác định một vấn đề (ví dụ: cân bằng sự tăng trưởng dân số trong thành phố với bảo vệ không gian xanh hiện có) và sự thống nhất – thông qua nghiên cứu, thảo luận, tranh luận để phát triển các ý tưởng của chúng – một giải pháp mà chúng cần tham khảo ý kiến của nhau.
- GIÚP HỌC SINH TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CỦA NHÓM
Nhóm hợp tác không thể tự có – chúng phải được xây dựng và nuôi dưỡng. Học sinh cần thường xuyên học cách làm việc hiệu quả với người khác và là một phần của một nhóm. Chúng ta phải giúp học sinh hiểu sự hợp tác là gì, tại sao cần hợp tác và cách thức để có được nó. Chúng ta có thể làm điều này bằng nhiều cách:
– Giúp học sinh hiểu được lợi ích của sự hợp tác và chỉ ra đâu là một hợp tác thành công, hiệu quả.
– Hướng dẫn học sinh thông qua các giai đoạn của việc xây dựng nhóm.
– Cho học sinh thời gian và cơ hội trong các hoạt động để phát triển năng lực lãnh đạo, ra quyết định, xây dựng lòng tin, giao tiếp, các kĩ năng quản lí xung đột.
– Thiết lập các những kì vọng và tiêu chí cho các hoạt động nhóm.
– Thiết kế hoặc để học sinh thiết kế các cách thức xử lí xung đột để chúng có thể tự giải quyết xung đột trong nhóm của mình.
– Dạy học sinh các kĩ năng lắng nghe tích cực.
- HẠN CHẾ KHẢ NĂNG CÓ NHỮNG HỌC SINH “ĂN KHÔNG NGỒI RỒI”
Khi học sinh phàn nàn về các nhóm hợp tác, đó thường là những người ăn không ngồi rồi – những người cản trở người khác làm việc và hưởng lợi từ thành quả của cả nhóm. Chúng ta có thể hạn chế tình trạng này bằng một số cách sau:
– Tạo các nhóm nhỏ khoảng 4 hoặc năm người. Khi có ít người để thoái thác, học sinh ít có khả năng để lười biếng.
– Đảm bảo mức độ trách nhiệm cá nhân cao bằng việc có cả đánh giá cá nhân và đánh giá nhóm. Ví dụ, vào cuối buổi học hãy đưa ra một bài kiểm tra cá nhân dựa trên những kết quả của các hoạt động hợp tác mà chúng đã tiến hành.
– Thiết lập vai trò và trách nhiệm của các thành viên (nhóm trưởng, thư kí, trưởng ban…) trong nhóm liên quan đến nội dung và nhiệm vụ. Các vai như là người quản lí về những bất thường xảy đến trong nhóm hoặc tình huống làm giảm sự chú ý của các thành viên với nội dung bài học và điều này có thế khuyến khích những kẻ ăn không ngồi rồi. Ngược lại, các vai có ý nghĩa hơn như quản lí, giám sát và lãnh đạo đối với từng công việc phụ trong các hoạt động được giáo viên đưa ra và cho phép giáo viên đánh giá học sinh dựa trên thành công của những vai này.
– Yêu cầu học sinh đánh giá sự tham gia và nỗ lực của mình và các thành viên khác trong nhóm và kiểm tra chéo những đánh giá riêng của học sinh.
- XÂY DỰNG NHIỀU CƠ HỘI CHO VIỆC THẢO LUẬN VÀ ĐỒNG THUẬN
Có nhiều dự án dựa trên năng suất, phân chia lao động để tạo ra một sản phẩm một cách hiệu quả nhất có thể. Việc tập trung vào sản phẩm có nghĩa là chúng ta thường bỏ qua quá trình hợp tác. Các cuộc thảo luận tốt phải có sự kết nối học sinh với những kinh nghiệm của người khác, hoạt động mà chúng tham gia tích cực, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự đồng thuận là điều kiện cần thiết để hợp tác.
Lấy ví dụ, học sinh có thể đi đến một đồng thuận xung quanh một giải pháp hoặc một quyết định, nơi mà chúng phải bảo vệ hoặc đề xuất một tầm nhìn chung hoặc phát triển một hệ thống niềm tin và nguyên tắc. Tập trung vào cuộc thảo luận và đồng thuận sẽ xây dựng cả hai kĩ năng học thuật và xã hội – học sinh học để bảo vệ ý tưởng của họ thông qua các bằng chứng và phân tích các lập luận, đối thoại có ý nghĩa và tranh luận một cách xây dựng.
- TẬP TRUNG VÀO TĂNG CƯỜNG VÀ MỞ RỘNG CHUYÊN MÔN
Thách thức của việc thiết kế các hoạt động hợp tác là đảm bảo rằng tất cả học sinh đóng một vai trò quan trọng. Hợp tác không chỉ tăng cường những kĩ năng hiện có của học sinh mà phải đảm bảo sự tương tác của chúng giúp chúng mở rộng kiến thức và chuyên môn ở một lĩnh vực khác. Ví dụ, một cô học sinh có điểm mạnh hơn về một kĩ năng so với những thành viên trong lớp và cô học sinh đó có thể dạy cho những bạn khác trong lớp mình hoặc các bạn lớp khác có thể học ở những người bạn của cô học sinh đó.
Trong các hoạt động hợp tác, phải đảm bảo rằng học sinh không chỉ chia sẻ các khoảng không vật chất mà còn chia sẻ một không gia trí tuệ – nơi chúng được học thêm, thực hành thêm, và trải nghiệm, làm việc với nhau nhiều hơn thay vì làm việc đơn độc. Là giáo viên, chúng ta có thể thúc đẩy sự hợp tác thực sự bằng việc chuyển đổi vai trò của chúng ta từ người hướng dẫn sang huấn luyện – thúc đẩy quyền tự chủ nhóm, kiểm tra và cung cấp những phản hồi ngày lập tức, giúp học sinh học cách làm việc với nhau hiệu quả để đạt được mục tiêu chung.
Người dịch: Nguyễn Hữu Long
(Nguồn: https://www.edutopia.org/…/5-strategies-deepen-student-coll…)
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị viên chức Viện Nghiên cứu Sư phạm năm học 2024-2025 diễn ra thành công tốt đẹp!
Tập huấn Trưởng, Phó đoàn và sinh viên K48 thực tập sư phạm đợt 1 năm học 2024-2025
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo