Quản lý lớp học là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm chất lượng giáo dục. Giáo viên (GV) dạy có “hay” đến mấy mà học sinh (HS) nhốn nháo, không thực hiện yêu cầu của GV, làm việc riêng, nói chuyện riêng… thì tiết dạy cũng không đạt yêu cầu.
Quản lý lớp học cần được thực hiện từ ngày đầu và suốt năm học. Khi đó, GV cần làm gì?
Những ngày đầu năm học
– Tạo được mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa GV và HS, giữa HS và HS bằng việc tự giới thiệu bản thân, làm quen với nhau, mong muốn làm điều tốt đẹp cho lớp… Trước hết, GV cần thể hiện mình là người dễ gần, vui tính, biết lắng nghe và có cả “tài vặt”…
– Cùng HS xây dựng nội quy lớp học trên cơ sở đề xuất của HS và thảo luận của lớp, tư vấn của GV: Hãy cho HS nói, điều gì là quan trọng và cần thiết để giúp lớp mình đoàn kết, thành công trong học tập… Yếu tố “hay ho” ở đây là, chính HS nói ra nội dung của nội quy mà không phải là sự áp đặt từ nhà trường, GV.
– Xây dựng bộ máy tự quản: Tốt nhất là HS lựa chọn theo tinh thần dân chủ “phổ thông đầu phiếu”. Nếu có chương trình tranh cử “nếu tôi là lớp trưởng/lớp phó/tổ trưởng thì tôi sẽ…” thì rất tốt. Nếu HS giới thiệu, tiến cử bạn nào đó thì cần giải thích vì sao. Đội ngũ tự quản nên thay đổi theo chu kỳ (tháng, theo chủ điểm chẳng hạn…).
– Tổ chức “hội thảo” để HS bày tỏ nguyện vọng về tổ chức các hoạt động (HĐ) (tham quan, thể thao, câu lạc bộ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập…) với câu hỏi “Các em muốn lớp mình tham gia, tổ chức những HĐ gì vui, bổ ích?”. Với mỗi đề xuất, khuyến khích HS bày tỏ “Tại sao em thích HĐ đó?”, “Em có ý tưởng gì cụ thể về HĐ này”, “Em có thể đóng góp gì cho HĐ?”…
Trong suốt năm học
– Tổ chức dạy học (DH) tích cực, phát triển năng lực HS, qua đó, không những phát triển được phẩm chất, năng lực cá nhân mà hạn chế được các hiện tượng vi phạm kỷ luật bởi HS luôn có việc để làm, vui vì mình thành công trong học tập… Ngược lại, DH nhồi nhét dễ gây ra các hiện tượng vi phạm kỷ luật.
– Thường xuyên tổ chức các HĐ chung giữa HS (nhất là các HĐ ngoại khóa theo các môn học, HĐGD ngoài giờ lên lớp – văn nghệ, tham quan, báo tường, lao động…) không những giải tỏa căng thẳng của học tập, mang lại niềm vui, mà còn xây dựng mối quan hệ thân thiện, đoàn kết giữa HS với nhau…
– Khuyến khích, tổ chức mối quan hệ thân thiện, quan tâm lẫn nhau giữa HS, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn, học chậm… Mối quan hệ này sẽ tạo ra môi trường học tập tích cực, hạn chế các yếu tố tiêu cực.
– Phản ứng tích cực đối với câu trả lời sai, bài làm sai của HS, trong đó GV luôn nghĩ tích cực về từng cá nhân HS, tìm ra điểm tích cực trong từng câu trả lời, bài làm… Nếu GV nghĩ trong đầu về một HS “nó dốt nát lắm” thì đã thừa nhận mình thất bại. Nếu GV phản ứng “tiêu cực” thì nguy cơ HS vi phạm kỷ luật là dễ xảy ra.
– Bao quát lớp học, qua đó, GV có thể kiểm soát được mọi hành vi của HS, nhất là những em “có vấn đề”, học chậm. Nếu có hiện tượng “không bình thường” thì GV cần ứng xử kịp thời.
– Sử dụng phiếu thưởng để khuyến khích HS nỗ lực trong học tập và thực hiện nội quy. Cuối học kỳ hay cuối năm học, những ai có nhiều phiếu thưởng sẽ được nhận phần thưởng hay được tham gia hoạt động đặc biệt (thăm Thủ đô chẳng hạn…).
– Xử lí các hiện tượng vi phạm kỷ luật bằng kỷ luật tích cực gồm hệ quả tự nhiên (ví dụ: không quan tâm đến các bạn thì các bạn không quan tâm đến mình) và logic (ví dụ: nếu vứt rác ra lớp học thì phải quét dọn lớp).
Quản lý lớp học chỉ thành công khi HS được yêu thương, tôn trọng và thành công trong học tập.
Nguồn: PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp
Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo
Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025
Trại hè HPU2 Summer Camp 2024 – Sôi nổi và lắng đọng