Khi bạn đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, bạn sẽ gặp những câu hỏi mà bạn thấy ngờ ngợ rằng mình đã trả lời ở đợt phỏng vấn nào đó rồi. Thực tế, có những câu hỏi thông thường mà nhà tuyển dụng hay hỏi người xin việc. Những câu hỏi đó thế nào?
Những câu hỏi ban đầu
1. Bạn có thể cho tôi biết về bản thân bạn được không?
Đó là câu hỏi đầu tiên mà bạn hay gặp phải. Mặc dù nhà tuyển dụng đã xem CV của bạn. Người phỏng vấn hỏi để kiểm tra sự bình tĩnh, kỹ năng giao tiếp và khả năng tạo dựng một mối quan hệ với họ. Chuẩn bị một kịch bản để nói về bản thân, nhưng câu trả lời của bạn không nên kéo dài quá mức. Bạn có thể theo mẫu này:
- Giới thiệu ngắn gọn bao gồm cả nền tảng học vấn (tên trường đại học của bạn, ngành bạn học), kinh nghiệm và bạn đang ở đâu. Tránh nói quá nhiều về thông tin không liên quan, chẳng hạn như con cái, hoặc những công việc không liên quan.
- Một vài thành tựu quan trọng, tùy thuộc vào từng loại vị trí.
- Các điểm mạnh ấn tượng gây sự chú ý của người phỏng vấn.
2. Điểm yếu của bạn là gì?
Không trực tiếp nói về điểm yếu của bạn. Đảo ngược câu hỏi này nói về những mặt bạn cần cải thiện. Đừng mang tính cách xấu của bạn vào chủ đề này vì bạn không thể thay đổi được. Thiếu sót về mặt kĩ năng có thể là một ví dụ vì bạn có thể cải thiện được. Sau đó cho thấy rằng bạn đang nỗ lực để tiến bộ hơn ở lĩnh vực đó. Làm như vậy sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt về bạn là một người chịu thay đổi, cầu tiến và muốn hoàn thiện bản thân. Tuyệt đối không nên nói “Tôi không có điểm yếu nào” vì chẳng ai là hoàn hảo cả.
3. Thế mạnh của bạn là gì?
Đây là thời điểm thích hợp để bạn có thể tiếp thị bản thân bằng cách xác định trình độ chuyên môn chính của mình. Nhưng nhớ là phải hướng nó với yêu cầu cụ thể của công ty và vị trí mà bạn đang phỏng vấn. Nếu bạn sử dụng những từ ngữ thông thường mà người khác hay dùng, bạn sẽ chìm hẳn trước những ứng cử viên khác. Hãy làm bật lên thế mạnh của mình bằng cách kết hợp những điểm tích cực thật sự và yêu cầu của công việc.
4. 3 từ để miêu tả bạn?
Đó là câu hỏi về tính cách của bạn. Đưa cho người phỏng vấn những từ tích cực về bản thân. Bạn có thể giải thích thêm một chút lý do mà bạn chọn 3 từ này, nhưng…phải ngắn gọn nhé!
5. Sở thích của bạn?
Thoải mái nói chuyện về những điều bạn thích ngoài công việc. Tốt hơn là nên nhắc về những sở thích lành mạnh như công việc xã hội, thể thao, âm nhạc, đọc sách,…
6. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Người phỏng vấn muốn kiểm tra xem bạn đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu công ty về mặt danh tiếng, cấu trúc công ty, sản phẩm/dịch vụ, …. Tiến hành nghiên cứu công ty là một trong những bước quan trọng cho sự thành công của một cuộc phỏng vấn. Tất nhiên, người phỏng vấn sẽ hài lòng hơn khi được nghe một câu trả lời đầy đủ thông tin từ bạn. Đặc biệt về vị trí mà công ty đang tuyển dụng mà bạn là một ứng cử viên.
7. Tại sao bạn muốn vị trí này?
Bạn phải biết lý do tại sao bạn muốn công việc và tự tin trả lời câu hỏi. Người phỏng vấn muốn nhìn thấy sự cam kết, niềm đam mê và mong muốn đối với công việc của bạn. Kết hợp với giai điệu giọng nói và ngôn ngữ cơ thể để tạo thêm hiệu quả. Không đề cập đến lý do như “lương cao”…
8. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
Không sử dụng các từ quá chung chung. Chúng không mang nghĩa gì cả. Người phỏng vấn đang kiểm tra mức độ trung thành của bạn với công ty và bạn gắn bó với họ trong bao lâu. Nói với họ rằng công việc phù hợp tốt với kế hoạch nghề nghiệp của bạn, nếu bạn muốn đi học cao hơn, cũng nên thể hiện cam kết của mình với công ty bằng cách nói việc có nhiều tri thức sẽ giúp bạn cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của công ty.
9. Bạn đối phó với những rắc rối trong công việc như thế nào?
Bạn phải nghĩ rằng các rắc rối nơi công sở là động lực cho con người phát triển vì họ có thể rút ra bài học quý báu sau khi giải quyết chúng thành công. Bạn nên cho họ thấy rằng bạn không giải quyết vấn đề theo cảm xúc mà rất linh hoạt và đặt lợi ích cho tập thể lên trên.
10. Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Có một luật ở đây rằng: “Ai nhắc đến tiền lương trước thì sẽ thua”. Bạn nên hỏi mức mà công ty đưa ra cho vị trí bạn nộp đơn. Hãy để người phỏng vấn đi đến chủ đề này và cũng là người đầu tiên tự nhắc đến khoảng tiền lương.
11. Tại sao bạn lại không tiếp tục làm ở đơn vị cũ?
Đừng bao giờ phàn nàn về sếp cũ hay đồng nghiệp cũ với nhà tuyển dụng vì họ sẽ nghi ngờ về thái độ làm việc và việc đối xử của bạn với mọi người xung quanh. Đừng nói đó như một lí do để từ bỏ công việc cũ, hãy nói mấy câu chung chung như: “Tôi muốn tìm một môi trường mới”” hay “Tôi muốn thử thách bản thân với một công việc mới”.
12. Bạn muốn làm việc trong môi trường như thế nào?
Còn chần chừ gì mà không đưa ra câu trả lời thể hiện mong muốn của bạn được vào làm việc tại một môi trường như công ty mà bạn đang phỏng vấn xin việc.
13. Bạn có câu hỏi nào cho tôi không?
Đây là một cơ hội để tìm hiểu thêm về công ty. Rất nhiều bạn nói là “Tôi không có câu hỏi gì thêm”. Đó là một sai lầm vì nó cho thấy bạn không quá hào hứng với buổi phỏng vấn. Bạn nên hỏi thêm về vị trí bạn đang phỏng vấn nếu trúng tuyển như: Mức độ, trách nhiệm của công việc, lộ trình thăng tiến.Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi, lắng nghe và hiểu câu trả lời. Đừng hỏi nhà tuyển dụng những câu hỏi về những điều tiêu cực của doanh nghiệp, vì nó có thể gây khó chịu cho nhà tuyển dụng và làm buổi phỏng vấn đi theo chiêu hướng tiêu cực. Nếu có hỏi thì cũng cần trung tính, chẳng hạn: “Theo ông/bà, thách thức lớn nhất mà công ty phải đối mặt thời điểm này là gì? “
Những câu hỏi tình huống
1. Bạn có bao giờ phải cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều công việc/ kế hoạch với cùng một thời hạn hoàn thành? Nếu có thì bạn giải quyết nó bằng cách nào?
Câu hỏi này nhằm đánh giá sự tận tâm, khả năng giải quyết tình huống và khả năng tổ chức công việc, quản lý thời gian của ứng viên. Hoặc đôi khi, nhà tuyển dụng cũng muốn thử xem ứng viên đó có khả năng chịu áp lực được không?
2. Bạn đã bao giờ không hoàn thành nhiệm vụ được giao chưa? Đó là khi nào?
Câu hỏi này với mục đích đánh giá xem ứng viên đối phó thế nào khi gặp tình huống bất lợi, cũng là để xem xét sự chân thực của ứng viên. Vậy nên bạn cần thẳng thắng và đưa ra cách giải quyết thông minh cho câu hỏi này để lấy lòng tin của nhà tuyển dụng.
3. Nếu khách hàng hay đối tác giận dữ, bạn sẽ xử lý thế nào?
Câu này sẽ đánh giá kỹ năng về dịch vụ khách hàng của ứng viên, xem xét kỹ năng giải quyết tình huống của ứng viên thế nào.
4. Nếu có 2 công việc hấp dẫn cùng chào đón bạn thì sự lựa chọn của bạn sẽ thế nào?
Đánh giá mức độ quyết đoán và cách ứng viên đưa ra quyết định. Ngoài ra cũng xem xét sự quan tâm của ứng viên là gì, họ có hợp với công ty không.
5. Vấn đề gần đây nhất mà bạn và người sếp cũ bất đồng là gì? Bạn đã giải quyết việc đó như thế nào?
Câu này sẽ nhằm đánh giá khả năng quản lý của ứng viên và xem người ấy có tài đàm phán, truyền đạt ý tưởng hay không.
6. Nếu tôi là một khách hàng của bạn thì bạn sẽ thuyết phục thế nào để tôi đồng ý mua sản phẩm của bạn?
Đánh giá khả năng thuyết phục, thuyết trình và kỹ năng giao tiếp của ứng viên. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng muốn xem xét khả năng sáng tạo trong cách dẫn dắt vấn đề của ứng viên thế nào.
7. Đối với công việc cũ, điều gì bạn không thích nhất và điều gì bạn hài lòng nhất?
Nhằm đánh giá động lực làm việc và tính tình của ứng viên. Nhiều nhà tuyển dụng sẽ đánh giá tính tình ứng viên có phù hợp với môi trường công ty hay không trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng.
8. Làm cách nào bạn xử lý công việc khi có yêu cầu thay đổi vào phút chót?
Đánh giá xem ứng viên có linh hoạt và có khả năng ứng phó nhanh chóng hay không.
9. Khi thất bại trong công việc bạn làm gì để vượt qua nó?
Câu này nhằm đánh giá tính kiên cường và thái độ của ứng viên trước rủi ro gặp phải.
Nguồn: https://bigschool.vn
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo
Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025
Trại hè HPU2 Summer Camp 2024 – Sôi nổi và lắng đọng