Để giúp giáo viên và phụ huynh học sinh có thêm những thông tin về việc dạy học cho trẻ, Ban Thông tin khoa học của Viện NCSP Trường ĐHSP Hà Nội 2 trân trọng giới thiệu với bạn đọc kết quả nghiên cứu đề tài: Nâng cao năng lực cho giáo viên tiểu học trong hoạt động giáo dục can thiệp hòa nhập đối với học sinh tăng động giảm chú ý ở các trường tiểu học.
1. Thông tin chung
– Tên đề tài: Nâng cao năng lực cho giáo viên tiểu học trong hoạt động giáo dục can thiệp hòa nhập đối với học sinh tăng động giảm chú ý ở các trường tiểu học.
– Mã số: B2015-18-114
– Chủ nhiệm đề tài: TS. Hoàng Thị Hạnh – Viện NCSP.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder – ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Hội chứng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Thực tế cho thấy việc dạy học cho trẻ em có hội chứng ADHD là việc rất khó khăn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
– Đánh giá thực trạng năng lực của giáo viên tiểu học trong hoạt động can thiệp hòa nhập đối với học sinh tăng động giảm chú ý (TĐGCY).
– Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cho giáo viên tiểu học trong hoạt động can thiệp hòa nhập đối với học sinh tăng động giảm chú ý ở các trường tiểu học Việt Nam.
– Nâng cao năng lực của giáo viên tiểu học trong can thiệp hòa nhập cho trẻ ADHD thông qua các khóa tập huấn và giám sát chuyên môn
3. Tính mới và sáng tạo
– Chỉ ra quy trình can thiệp hòa nhập cho trẻ bị ADHD theo cách tăng cường năng lực cho giáo viên tiểu học.
– Tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên tiểu học đối với việc can thiệp hòa nhập cho trẻ bị ADHD.
– Nghiên cứu đối sánh với các nước có nền tâm lý trị liệu phát triển mạnh, rút ra kinh nghiệm đối với giáo dục hòa nhập Việt Nam.
4. Kết quả nghiên cứu:
4.1. Đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục can thiệp hòa nhập cho trẻ TĐGCY cũng như năng lực của giáo viên làm việc trong lớp học có học sinh có TĐGCY hoặc biểu hiện TĐGCY tại các trường tiểu học ở Việt Nam
Xét về kiến thức của giáo viên về RLTĐGCY, cũng như các cách thức, chiến lược làm việc, quản lý hành vi của học sinh, quản lý lớp học có học sinh TĐGCY, một số giáo viên vẫn còn hiểu nhầm, hiểu sai kiến thức về RLTĐGCY, kỹ năng quản lý lớp học cũng như một số giáo viên có thái độ tiêu cực với việc quản lý học sinh có TĐGCY trong lớp học.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy hiện nay các giáo viên tiểu học đã được nghe về GDHN. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết kiến thức và các kỹ năng của giáo viên mới dừng lại ở việc có được những kiến thức và kỹ năng về GDHN nói chung, những kiến thức và kỹ năng thực hành cụ thể về RLTĐGCY hay GDHN cho trẻ RLTĐGCY còn thấp. Hơn nữa, một số lượng không nhỏ giáo viên vẫn còn hiểu chưa đúng hoặc hiểu nhầm về GDHN. Cụ thể, nhận thức của giáo viên về các thành tố của GDHN cho thấy còn tồn tại khá nhiều sai lệch. Do đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy giáo viên còn hiểu sai về GDHN cho trẻ RLTĐGCY. Nhìn chung, nhận thức sai lệch của đa số giáo viên về GDHN cho trẻ RLTĐGCY chủ yếu nằm ở kỹ năng quản lý lớp học, kỹ năng làm việc của giáo viên với học sinh RLTĐGCY.
Trước thực trạng như vậy, việc xây dựng và triển khai các giải pháp, trong đó có các chương trình tập huấn nâng cao năng lực của giáo viên trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.
4.2. Xây dựng chương trình và bộ tài liệu tập huấn cho giáo viên tiểu học
Dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn khảo sát, điều tra, nhóm nghiên cứu đã xây dựng chương trình và bộ tài liệu tập huấn cho giáo viên tiểu học. Kết quả thực nghiệm để đánh giá hiệu quả của chương trình tập huấn này đã bước đầu cho thấy hiệu quả về một số nội dung kiến thức, kỹ năng của giáo viên sau khi tham gia chương trình.
4.3. Đề xuất mô hình giáo dục can thiệp cho trẻ có RLTĐGCY ở các trường tiểu học tại Việt Nam
Dựa trên chương trình đã được thực nghiệm và đánh giá hiệu quả khi tập huấn cho giáo viên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được mô hình giáo dục can thiệp cho trẻ có RLTĐGCY ở các trường tiểu học tại Việt Nam.
5. Sản phẩm
– Mô hình can thiệp cho trẻ tăng động giảm chú ý ở một số trường tiểu học Việt Nam.
– Tài liệu hướng dẫn giáo viên hướng dẫn giáo viên quản lý lớp học có trẻ ADHD.
– 01 bài báo đăng trong Hội thảo Quốc tế.
– Công bố 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước .
– Góp phần đào tạo 01 Thạc sĩ.
6. Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu được chuyển giao đến các trường tiểu học ở Việt Nam thông qua hình thức tập huấn và trao đổi kinh nghiệm liên quan đến vấn đề tăng động giảm chú ý ở trẻ./.
Tổng hợp: Phạm Phú Cam- Viện NCSP
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo
Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025
Trại hè HPU2 Summer Camp 2024 – Sôi nổi và lắng đọng