Ngày 16/6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo, đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo.
Đây là cột mốc quan trọng khẳng định chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà giáo với những điểm mới Luật Nhà giáo 2025 như sau:
(1) Khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo
– Luật Nhà giáo xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
– Luật quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo
(2) Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Luật Nhà giáo quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.
Ngoài ra, theo quy định của Luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động…, góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.
(3) Chính sách bảo vệ, hỗ trợ, thu hút nhân lực chất lượng cao
– Luật Nhà giáo mở rộng và hợp nhất hệ thống chính sách hỗ trợ cho nhà giáo
– Thu hút người có trình độ cao, kỹ năng nghề giỏi tham gia giảng dạy, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp.
(4) Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ – nâng cao chất lượng giáo dục
– Luật hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn thành một hệ thống chức danh gắn với chuẩn năng lực, áp dụng chung cho cả cơ sở công lập và ngoài công lập.
– Việc này nhằm nâng chất lượng đội ngũ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, và tăng minh bạch trong đánh giá, tuyển chọn, đào tạo giáo viên.
(5) Đạo đức nghề nghiệp và cơ chế bảo vệ uy tín nhà giáo
– Lần đầu tiên, đạo đức nhà giáo được luật hóa với các quy tắc ứng xử cụ thể trong quan hệ với người học, đồng nghiệp, gia đình học sinh và xã hội. – Luật quy định cơ chế bảo vệ nhà giáo trước hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, đặc biệt cấm lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng khi chưa có kết luận chính thức, và sẽ xử lý theo pháp luật.
(6) Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục
– Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
– Luật giao Bộ GDĐT chủ trì phối hợp xây dựng chiến lược đề xuất và trình phê duyệt biên chế giáo viên công lập.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Có thể bạn quan tâm
THÔNG BÁO THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ TRỤ SỞ LÀM VIỆC
Luật Nhà giáo: Gia tăng thiết chế bảo vệ
Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức thi các môn năng khiếu tuyển sinh đại học chính quy năm 2025