Hội thảo đánh giá kết quả hoàn thành Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) diễn ra tại Hà Nội và0 29/6/2022.

Toàn cảnh Hội thảo đánh giá hoàn thành Chương trình ETEP

Hội thảo nhằm đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ETEP; kết quả đạt được từ khi bắt đầu đến khi kết thúc Chương trình và hiệu quả, tác động của Chương trình trong phạm vi toàn quốc; cùng các khuyến nghị về chính sách, thể chế, bài học kinh nghiệm từ Chương trình ETEP. 

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; chuyên gia giáo dục cao cấp, Trưởng nhóm Giáo dục của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – ông Michael Drabble. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đại các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP; đại diện các sở GD&Đ trên toàn quốc.

Cơ hội chưa từng có cho các trường đại học sư phạm chủ chốt 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nêu rõ mục tiêu: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Trước nhiệm vụ đầy thách thức này, Bộ GD&ĐT đã chủ động tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước để phê duyệt Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP); tham mưu Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước, làm việc với nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới để phê duyệt dự án ETEP. Tên dự án cũng chính là mục tiêu của Chương trình, đó là: Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. 

Trong 6 năm triển khai, trải qua không ít khó khăn, Chương trình đã kết thúc tốt đẹp. Từ 23/5 đến 7/6, Ngân hàng Thế giới tổ chức đợt đánh giá cuối cùng tổng kết dự án. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới qua đợt đánh giá, tất cả các chỉ tiêu, cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ đã hoàn thành, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức so với cam kết. 

“Đó là cố gắng, nỗ lực lớn”, Thứ trưởng nhận định và nhấn mạnh một số dấu ấn của Chương trình ETEP: Năng lực trường sư phạm được nâng lên; công tác quản trị điều hành nhà trường, xây dựng mô hình quản trị mới được hình thành, kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phát triển năng lực trường đại học sư phạm (TEIDI) rất ấn tượng… Đặc biệt, Chương trình đã hình thành mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, kết hợp với sinh hoạt tổ chuyên môn; biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng; từ đó nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên được nâng lên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội thảo.

Đặc biệt đánh giá cao nỗ lực, sự dũng cảm của các trường sư phạm tham gia ETEP, vì đây là dự án đầu tiên giải ngân theo kết quả đầu ra, Thứ trưởng đồng thời lưu ý: Dự án đóng nhưng nhiệm vụ vẫn mở, vẫn tiếp tục phát triển; do đó cần tiếp tục kế thừa, triển khai và phát triển mô hình bồi dưỡng thật tốt trong thời gian tới.

Đại diện Ngân hàng thế giới, ông Michael Drabble – chuyên gia giáo dục cao cấp, Trưởng nhóm Giáo dục – tại hội thảo cũng đánh giá và nhấn mạnh vai trò, kết quả tích cực mà Chương trình ETEP đạt được.

Theo đó, Chương trình tạo cơ hội chưa từng có cho các trường đại học sư phạm chủ chốt trong các hoạt động, đặc biệt là trong xây dựng kế hoạch chiến lược, triển khai kế hoạch chiến lược; vận dụng kỹ thuật, công nghệ số trong giảng dạy, học tập; tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất liên quan đến công nghệ, hỗ trợ cho dạy học trong nhà trường. Qua Chương trình, các trường sư phạm đã có tiếp cận gần gũi, tăng cường quan hệ với các sở GD&ĐT, các địa phương… “Khi Chương trình ETEP bắt đầu, các trường đại học sư phạm gần như đang ở mức điểm 3 khi đánh giá theo Bộ chỉ số TEIDI; tuy nhiên đến nay các trường đều đã ở mức điểm 5” – ông Michael Drabble cho hay.

Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ETEP trong bồi dưỡng giáo viên, coi đây là ý nghĩa quan trọng nhất, ông Michael Drabble cho rằng, Chương trình đã chuyển đổi mô hình bồi dưỡng thường xuyên từ truyền thống sang mô hình mới, đó là bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Các giáo viên hỗ trợ lẫn nhau ngay tại nhà trường và việc này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức. 

Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá: Trong quá trình triển khai Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT đã thể hiện rất nhiều năng lực, đặc biệt trong quản lý chiến lược. Bộ thể hiện rõ năng lực chỉ đạo triển khai Chương trình thông qua việc củng cố, thể chế hóa hoạt động bồi dưỡng trên toàn quốc; ban hành những chính sách liên quan đến chuẩn nghề nghiệp giáo viên, hướng dẫn đánh giá giáo viên, thiết lập được các hệ thống để đánh giá và xác định được nhu cầu của người học – giáo viên trên toàn quốc. Sau khi ETEP kết thúc, Bộ GD&ĐT đã duy trì kết quả của Chương trình thông qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Cục đã tiếp nhận các thành tựu, sản phẩm của ETEP để tiếp nối hoạt động bồi dưỡng trên toàn quốc.

Chuyên gia giáo dục cao cấp, Trưởng nhóm Giáo dục của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – ông Michael Drabble phát biểu tại hội thảo

Tiếp tục duy trì, tiếp nối kết quả của Chương trình ETEP

Báo cáo những kết quả quan trọng của Chương trình ETEP, tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm tiếp tục duy trì, tiếp nối kết quả của ETEP sau khi Chương trình kết thúc.

Trong đó có việc Bộ GD&ĐT xem xét sử dụng Bộ chỉ số TEIDI trong hoạt động quản lý và tăng cường năng lực các trường sư phạm. Chỉ đạo tiếp tục triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên kết hợp trực tiếp và trực tuyến đối với đội ngũ cốt cán và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp thường xuyên trên hệ thống công nghệ thông tin có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán. Duy trì và chỉ đạo, quản lý, giám sát kết quả bồi dưỡng thường xuyên, thực hiện quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng thường xuyên, trong đó có việc phỏng vấn lấy ý kiến các đối tượng để hoàn thiện tài liệu và phương thức bồi dưỡng. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng khuyến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà cung ứng hệ thống LMS hoàn thiện hệ thống đáp ứng với mô hình bồi dưỡng thường xuyên của Chương trình ETEP, kết nối tự động với Hệ thống TEMIS do Viettel hỗ trợ miễn phí cho đến năm 2026. Chỉ đạo để thống nhất Hệ thống TEMIS với cơ sở dữ liệu ngành, để tạo ra một cơ sở dữ liệu quản lý thông tin giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông. Tiếp tục chỉ đạo các trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục hoàn thiện Chương trình/tài liệu bồi dưỡng, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở GD&ĐT, các trường đại học sư phạm khác.

Đối với các trường đại học sư phạm,cần tiếp tục duy trì những kết quả về quản trị nhà trường, thực hiện quy trình PDCA trong quản lý, thực hiện kế hoạch chiến lược. Duy trì các quy trình đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng các mô đun. Hỗ trợ, hợp tác với các sở trong bồi dưỡng thường xuyên và hỗ trợ xây dựng báo cáo TEMIS. Phân công giảng viên sư phạm và giám sát giảng viên sư phạm hỗ trợ cốt cán trong hỗ trợ đại trà. 

Đối với các sở GD&ĐT, cần tiếp tục phối hợp với các trường đại học sư phạm trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, bám sát kế hoạch do Bộ GD&ĐT ban hành. Tiếp tục triển khai đánh giá giáo viên trên hệ thống TEMIS để có thể theo dõi sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, và nhu cầu bồi dưỡng. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng và phương thức bồi dưỡng…

Tại hội thảo, đại diện các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục; đại diện giảng viên sư phạm chủ chốt và các sở GD&ĐT đều đánh giá cao vai trò, kết quả của Chương trình ETEP trong 6 năm triển khai. Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị cũng được đưa ra nhằm duy trì duy trì tính bền vững của Chương trình ETEP trong thời gian tiếp theo.

Theo BQL ETEP TW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *