1. Để làm tốt công tác TTSP đợt 1, sinh viên phải được trang bị những gì?
Thực tập sư phạm (TTSP) là khâu thực hành nghề, do đó sinh viên (SV) phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp…ở mức độ “thực hành nghề” để trở thành người giáo viên thực thụ, vừa có phẩm chất và năng lực nghề nghiệp: a)Về kiến thức: Trước hết SV phải được học lý luận dạy học và phương pháp dạy học bộ môn. SV phải nắm được: Quy chế TTSP; hiểu biết về Nội dung TTSP; Quy trình TTSP; Các công việc cụ thể của giáo sinh trong quá trình TTSP…b)Về kỹ năng: SV phải được rèn luyện về hệ thống kỹ năng dạy học và kỹ năng giáo dục như: Kỹ năng soạn giáo án; kỹ năng lập Kế hoạch chủ nhiệm; kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; kỹ năng trình bày bảng, viết bảng; kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kỹ năng tổ chức hoạt động Đoàn, Đội; kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm và các kỹ năng mềm khác. C) Về thái độ: TTSP không phải là “đi thực tế” chung chung mà là đi học và tập làm nghề dạy học trong thực tế dạy học sinh động, phong phú, chịu tác động đa chiều, thậm chí có nơi, có chỗ phải chịu áp lực từ xã hội. TTSP “là khâu chuyển giao giữa lý luận và thực tiễn, giữa những kiến thức học tập trong nhà trường và công việc thực tế mà sinh viên sẽ làm sau này. Do đó, SV phải chuẩn bị cho mình tâm thế tốt, có thái độ tích cực, phát huy được tiềm năng, trí tuệ, tính độc lập, sáng tạo và các năng lực nghề nghiệp của bản thân. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào cả những vấn đề về điều kiện cá nhân, lòng yêu nghề, cơ chế, quy định của ngành GD và địa phương.
2. Mục tiêu, yêu cầu TTSP ở trường phổ thông và mầm non hiện nay là gì?
Đợt 1, do được “gửi thẳng” đi TTSP chính thức ở trường phổ thông (Mỗi đoàn có Trưởng, Phó đoàn là sinh viên, không có giảng viên đi kèm) nên sinh viên chủ yếu làm công tác chủ nhiệm lớp, thông qua giáo viên hướng dẫn. Mục tiêu cụ thể là: “Nắm được các hoạt động của trường phổ thông, về các mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, các hoạt động của học sinh trong lớp, ở trường và ở gia đình. Nắm được các hoạt động giáo dục và dạy học của người giáo viên phổ thông. Vận dụng các tri thức khoa học cơ bản, các phương pháp giảng dạy, các kiến thức về tâm lý học, giáo dục học trong việc tổ chức giáo dục và dạy học”.
3. Chìa khoá – nâng cao chất lượng TTSP cho sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 như thế nào?
Để nâng cao chất lượng TTSP, bước đầu thực hiện chủ trương “Kết nối với trường phổ thông” của nhà trường, ngoài các chương trình rèn luyện NVSP thường niên, trong các ngày 17 và 18 tháng 10 năm 2020, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã sôi nổi diễn ra đợt tập huấn cho sinh viên K44 và các Trưởng, Phó đoàn TTSP trong toàn trường. Đây là chuỗi các hoạt động của Viện NCSP về NVSP, thực hiện Kế hoạch số 370/KH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của nhà trường về công tác thực tập sư phạm (TTSP) đợt 1.
Trong 2 ngày tập huấn, gần 1 nghìn SV K44 của các khoa đã được cập nhật hệ thống kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể thực hiện công việc TTSP tại trường mầm non và phổ thông. Báo cáo viên là các giáo viên, giảng viên, chuyên viên của Trường THPT Xuân Hòa và Trường ĐHSP Hà Nội 2. Với phương pháp mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với SV sư phạm, các báo cáo viên đã mang đến cho lớp tập huấn những nội dung hay, thực tiễn, sinh động và thiết thực của giáo dục hiện nay. Đặc biệt, SV còn được làm quen với những tình huống sư phạm điển hình, như: Các tình huống có thể xảy ra giữa giáo sinh với: HS; giáo viên; phụ huynh HS; nhân dân địa phương nơi TTSP. Báo cáo viên là những chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong dạy học và giáo dục, đã nhiệt tình chia sẻ, trao đổi, đồng thời truyền cảm hứng nghề nghiệp cho SV. Những vấn đề, những câu hỏi mà SV nêu ra trong công tác giáo viên chủ nhiệm đã được giải đáp thỏa đáng, vừa mang tính lý luận, khoa học vừa mang tính thực tiễn sâu sắc. Những vần đề “thời sự”của giáo dục mà SV thường gặp phải trong TTSP cũng được lớp tập huấn nêu ra, trao đổi, chia sẻ, lý giải và gợi ý cách thức xử lý, giúp cho SV có thêm kiến thức và kỹ năng TTSP. Cuối chương trình tập huấn, SV tham gia trả lời phiếu khảo sát về mức độ đạt được trong công tác tổ chức lớp, mức độ đạt được về chất lượng nội dung và phương pháp tập huấn. Đây là những số liệu thống kê quan trọng cho Viện NCSP- đơn vị chủ trì đợt tập huấn có thêm kinh nghiệm tổ chức.
Có thể khẳng định rằng đợt tập huấn đã góp phần trang bị cho SV những kiến thức cần thiết, kỹ năng cơ bản và cách ứng xử hay trong các tình huống sư phạm thường gặp. Đây là những kinh nghiệm hay, những bài học quý, góp phần làm nên hành trang, giúp SV có tâm thế tích cực, tự tin và chủ động hơn trong kỳ thực tập sư pham đợt 1 sắp tới./. Một vài hình ảnh về đợt tập huấn
CVC,ThS Phạm Phú Cam – Viện NCSP
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị viên chức Viện Nghiên cứu Sư phạm năm học 2024-2025 diễn ra thành công tốt đẹp!
Tập huấn Trưởng, Phó đoàn và sinh viên K48 thực tập sư phạm đợt 1 năm học 2024-2025
Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đào tạo