Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo việc: Các trường đại học sư phạm đóng vai trò nòng cốt trong quá trình phát triển tài liệu và tổ chức bồi dưỡng theo các chuyên đề được lựa chọn đối với giáo viên và cán bộ quản lý ở phổ thông, ngày 18/6/2019, Viện Nghiên cứu Sư phạm Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tổ chức seminar khoa học chuyên đề: “Quản trị nhà trường Tiểu học”. Đến dự và thảo luận có đông đảo lãnh đạo và giảng viên các khoa: Ngữ Văn, Toán, Hóa học, Sinh -KTNN, Vật lý, Giáo dục Tiểu học, Bộ môn Tâm lý giáo dục; Đại diện lãnh đạo Phòng KHCN&HTQT và chuyên viên của Viện NCSP.

Tại semiar chuyên đề: “Quản trị nhà trường Tiểu học” chủ tọa – TS Phạm Quang Tiệp – Giảng viên Khoa GDTH đã giới thiệu và trình bày nhũng nội dung chính của tài liệu, bao gồm: Khái niệm quản trị trường học (QTTH); Phân biệt QTTH với quản lý nhà trường; Vị trí, vai trò của QTTH; Những vấn đề chung liên quan đến QTTH; Nội dung QTTH…

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề chủ tọa trình bày. Dưới góc nhìn của khoa học quản trị, hầu hết ý kiến cho rằng: Chuyên đề đã đề cập đến các nhiệm vụ chủ yếu của QTTH như: Hoạch định chính sách, chiến lược; Gây ảnh hưởng tới các thành viên của nhà trường; Tạo dựng văn hóa nhà trường; Tổ chức phối hợp, hợp tác giữa cá nhân với nhà trường; Giám sát và điều chỉnh kết quả công việc của nhà trường… Chuyên đề đã nêu ra nội dung cơ bản của QTTH đó là: 1)Quản trị (QT) hành chính; 2) QT nhân sự; 3) QT hoạt động dạy và học; 4) QT phát triển chương trình nội dung dạy học; 5) QT kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; 6) QT tài chính; 7) QT đầu tư và rủi ro; 8) QT các mối quan hệ trong và ngoài trường; 9) QT xung đột và cảm xúc cá nhân thành viên; 10) QT sự thay đổi…        

Đa số đại biểu nhận xét rằng, đây là chuyên đề mới, đề cập đến vấn đề cấp thiết trong quản lý giáo dục hiện nay, đó là chuyển dần từ cơ chế quản lý nhà trường sang cơ chế quản trị nhà trường ở phổ thông. Chuyên đề này chủ yếu dành để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Một số ý kiến bàn về việc nếu triển khai bồi dưỡng tại địa phương phải có cách đặt vấn đề như thế nào cho phù hợp với cơ chế, chính sách và bối cảnh quản lý nhà trường phổ thông hiện nay.

Cũng trong buổi seminar, các đại biểu còn băn khoăn về một số vấn đề, mà chuyên đề này chưa làm rõ như: a) Các chức năng của QTTH; b) Nguyên tắc của QTTH; c) Đặc điểm của QTTH; Điều kiện, môi trường của QTTH; Yêu cầu của QTTH; Phân cấp QTTH; Kỹ năng và phương pháp QTTH hiện hành.

Buổi semiar đã thành công tốt đẹp, trang bị cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, báo cáo viên của các khoa những vấn đề lý luận và thực tiễn của QTTH, chuẩn bị các điều kiện cho đợt bồi dưỡng thành công tại địa phương.

Được biết, về chủ trương thực hiện QTTH, ngày 25/6/2013, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 791/HD-BGDĐT về “Hướng dẫn thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông”, trong Đề án “Xây dựng mô hình trường phổ thông đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục giai đoạn 2012-2015”. Theo Vietnamnet, ngày 10/01/2018 tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển và Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First tổ chức hội thảo quốc tế: “Quản trị trong nhà trường phổ thông”. Tại diễn đàn này, các đại biểu đã nêu ra các ý kiến khác nhau: Để triển khai QTTH, về lý luận “Cần làm rõ sự giống nhau và khác nhau giữa QTTH với quản lý nhà trường hiện nay bởi vì trong thực tế “ Đôi khi rào cản của quản lý lại trở thành rào cản cho QTTH”. Về tự chủ trường học cần: “ tự chủ chương trình dạy học” vì: “ tự chủ là một trong những chính sách quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục”. Về thực tiễn, cần phân cấp quản trị, lý do là: “ Hiện nay, quản trị vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của Bộ, Sở, sự chỉ đạo của cấp trên, như các vấn đề nhân sự, cơ sở vật chất…”. Thực hiện QTTH sẽ: “Tạo áp lực nhưng trở thành động lực cho mỗi cán bộ giáo viên, mỗi nhà trường để đổi mới và phát triển”./.

Bài và ảnh Phú Cam- Viện NCSP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *