ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THỰC TẬP SƯ PHẠM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

                                                      Th.S Phạm Phú Cam, Viện NVSP

Thực tập sư phạm (TTSP) là hình thức tổ chức đưa sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 đến các trường phổ thông để tập làm các công việc của một giáo viên trong một thời gian nhất định [1].

Dưới góc độ quản lý, TTSP là khâu thực hành nghề, là giai đoạn diễn ra các mối quan hệ đa chiều trong đào tạo, có thể kiểm soát và thúc đẩy sự tiến bộ của sinh viên, giúp điều chỉnh hợp lý quá trình đào tạo.

Dưới góc độ giáo dục học, TTSP là một thành tố trong quá trình đào tạo giáo viên, “là khâu chuyển giao giữa lý luận và thực tiễn, giữa những kiến thức học tập trong nhà trường và công việc thực tế mà sinh viên sẽ làm sau này [2], có tác động tích cực đến tinh thần thái độ học tập, khơi dậy và thúc đẩy tiềm năng, trí tuệ, tính độc lập, sáng tạo và các năng lực nghề nghiệp của sinh viên.

Dưới góc độ nghiệp vụ sư phạm, TTSP không phải là “đi thực tế” chung chung mà là đi học và tập làm nghề dạy học. Cụ thể hơn là “hoạt động thực tiễn của giáo sinh tại các trường phổ thông sau phần học lý thuyết về nghề sư phạm nhằm mục đích củng cố và nâng cao nhận thức và lòng yêu nghề dạy học, áp dụng các kiến thức vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng dạy học, công tác chủ nhiệm”[3]. Như vậy công tác TTSP là một quá trình, nói chung phải trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị học lý luận và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm (NVSP) và giai đoạn thực hành nghề thực tiễn tại trường phổ thông.

Trong thực tế dạy học sinh động, phong phú, chịu tác động đa chiều như hiện nay, muốn làm tốt công tác TTSP, giáo sinh phải được trang bị tốt về chuyên môn (Môn học phải giảng dạy) và nghiệp vụ (lý luận dạy học, phương pháp và kỹ năng giảng dạy, giáo dục), có các kỹ năng về quản lý, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm và các kỹ năng sống khác, đồng thời phải có được tâm thế tốt và lòng yêu nghề thực sự.

Trong đào tạo theo niên chế trước đây, giai đoạn chuẩn bị được chia ra thành 2 bước: Bước 1, học lý luận dạy học và phương pháp dạy học bộ môn (chủ yếu diễn ra tại trường sư phạm) và bước 2, đi kiến tập tại trường phổ thông.

Giai đoạn 2 được tiến hành hoàn toàn tại trường phổ thông. Sinh viên đi TTSP được bố trí thành đoàn có đủ sinh viên (SV) các khoa. Mỗi đoàn có giảng viên (thường là các giảng viên tổ phương pháp giảng dạy) làm trưởng đoàn đi cùng, làm nhiệm vụ liên hệ với cơ sở TTSP và trực tiếp tổ chức các hoạt động cho giáo sinh, đồng thời giải đáp, hỗ trợ giáo sinh về chuyên môn, nghiệp vụ.

Mô hình này có ưu điểm là việc tổ chức TTSP được diễn ra theo kế hoạch, thuận lợi, sinh viên có “chỗ dựa” về mọi mặt. Tuy nhiên mô hình này có nhược điểm là mọi việc diễn ra theo kế hoạch, cứng nhắc. Việc TTSP phụ thuộc vào người dạy ở trường sư phạm. Giáo sinh bị thụ động, không phát huy được năng lực sáng tạo của giáo sinh và của cơ sở TTSP. Chất lượng TTSP có khi còn bị phụ thuộc vào cá nhân trưởng đoàn. Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường phải theo sự phân công công tác của Nhà nước.

Trong đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay, qúa trình TTSP về cơ bản vẫn trải qua 2 giai đoạn như theo mô hình niên chế. Tuy nhiên đã có sự đổi mới về cách thức tiến hành. Việc TTSP hướng vào việc học của người học. Ở giai đoạn 1, việc học lý luận dạy học và phương pháp dạy học bộ môn không chỉ diễn ra tại trường sư phạm trong một thời gian và không gian cố định mà đã có sự thay đổi linh hoạt hơn. Sinh viên được học và rèn luyện NVSP thường xuyên chủ động, phù hợp với điều kiện và thời gian học tập của người học.

Ở cuối giai đoạn 1 sinh viên được “gửi thẳng” đi TTSP chính thức ở trường phổ thông (TTSP1). Mỗi đoàn có Trưởng, Phó đoàn là sinh viên, không có giảng viên đi kèm. Sinh viên, tùy theo nhiệm vụ được phân công được làm việc trực tiếp, với giáo viên hướng dẫn. Mọi việc được thực hiện theo Quy chế TTSP. Trong TTSP1, giáo sinh chủ yếu làm công tác chủ nhiệm lớp, việc tập dạy theo quy định, theo tính chất “học nghề”. Mục tiêu cụ thể là: “Nắm được các hoạt động của trường phổ thông, về các mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, các hoạt động của học sinh trong lớp, ở trường và ở gia đình. Nắm được các hoạt động giáo dục và dạy học của người giáo viên  phổ thông. Vận dụng các tri thức khoa học cơ bản, các phương pháp giảng dạy, các kiến thức về tâm lý học, giáo dục học trong việc tổ chức giáo dục và dạy học” [4].

Ở giai đoạn 2, sinh viên được TTSP ở mức độ “thực hành nghề” để trở thành người giáo viên thực thụ, vừa có phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đồng thời vừa chủ động tìm việc làm, chuẩn bị cho việc tuyển dụng viên chức khi ra trường.

Qua khảo sát thực tế và tổng hợp các ý kiến về công tác TTSP hiện nay, có thể nhận thấy mô hình TTSP hiện nay có những ưu điểm và hạn chế như sau:

– Ưu điểm của mô hình TTSP theo học chế tín chỉ là ở chỗ, giáo sinh được chủ động hơn trong công việc, hình thành và phát huy được tính năng động, nhạy bén  phù hợp với sự sinh động, phong phú, đa chiều của thực tiễn giáo dục phổ thông [5]. Do kế hoạch TTSP linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp thực tiễn nên đã có tác động tích cực hai chiều giữa đoàn TTSP với cơ sở TTSP. Giáo sinh và các trường sư phạm được tiếp cận với thực tiễn sinh động của giáo dục phổ thông, qua đó có những điều chỉnh, cải biến tích cực trong đào tạo giáo viên (nhất là trong xây dựng chương trình đào tạo và chương trình TTSP). Ngược lại, các trường phổ thông cũng được tiếp cận với các phương pháp, phương tiện, quan điểm dạy học mới, từ đó mà từng bước đổi mới giáo dục phổ thông.

– Tuy nhiên ở mô hình này cũng bộc lộ những hạn chế đó là:

Thứ nhất: Cơ sở đào tạo giáo viên bị động trong việc lựa chọn trường phổ thông cho sinh viên thực tập, dẫn tới tình trạng đoàn TTSP bị phụ thuộc vào trường phổ thông. Sự phối hợp giữa trường sư phạm với các trường phổ thông và ngành GD&ĐT của các địa phương có chỗ còn “lỏng lẻo”[5]. Việc đào tạo và bồi dưỡng của các trường sư phạm có lúc còn “ xa rời thực tiễn”[5].

Thứ hai: Việc quản lý đoàn trở nên phức tạp, khó khăn do giáo sinh có tâm lý coi nhẹ kỷ luật của đoàn (Vì kế hoạch TTSP mềm dẻo về thời gian, không gian, hơn nữa Trưởng, Phó đoàn lại là sinh viên chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý …).

Thứ ba: Việc đánh giá kết quả TTSP dễ dẫn đến nể nang, có chỗ chưa thực chất, nhất là chất lượng thực tập giảng dạy. Nội dung đánh giá có chỗ thiên về giảng dạy mà chưa chú trọng đúng mức đến công tác chủ nhiệm, nhất là việc xử lý các tình huống sư phạm. Hiện nay trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, công tác chủ nhiệm lớp đang gặp những khó khăn, trở ngại và trở thành vấn đề có tính thời sự, khoa học và cấp thiết, đang đặt ra những vấn đề mới, những thách thức mới đòi hỏi phải được lý giải, làm rõ cả về lý luận và thực tiễn. Những nhược điểm này đang trở thành vấn đề có tính chất xã hội, chưa dễ khắc phục.

Tổng hợp ý kiến tại các Hội nghị triển khai TTSP nhiều năm qua cho thấy, những nhược điểm nêu trên là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan  như sau:

– Nguyên nhân khách quan là do Bộ GD&ĐT chưa ban hành các văn bản chỉ đạo về mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên và các trường phổ thông (Thông qua các Sở GD&ĐT). Hiện nay chưa có hành lang pháp lý về trách nhiệm của cơ sở giáo dục với công tác thực tập sư phạm [5]. Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa ban hành chuẩn đánh giá kết quả và thang điểm TTSP [5] để thống nhất thực hiện, vừa đảm bảo tính chuẩn hoá, vừa đảm bảo tính mềm dẻo trong qúa trình TTSP. Định mức kinh phí chi cho công tác TTSP chưa thống nhất giữa các cơ sở đào tạo giáo viên, tạo ra tâm lý so sánh chênh lệch kinh phí giữa các đoàn TTSP…

– Nguyên nhân chủ quan là do một số sinh viên, (có cả Trưởng, Phó đoàn TTSP) chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác TTSP, chưa chấp hành đúng quy chế TTSP, chưa nhiệt tình, thiết tha với công tác TTSP. Một số sinh viên chưa tự tin trong thực tập giảng dạy do kiến thức chuyên môn chưa vững vàng, kết quả thực tập chủ nhiệm còn hạn chế…

Để khắc phục những khó khăn như phân tích ở trên, trong những năm qua, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã chủ động tiến hành các công việc như sau:

– Ban hành Quy chế TTSP. Ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác TTSP; Ban hành hệ thống văn bản, tài liệu về TTSP: Nội dung TTSP; Thời lượng TTSP; Quy trình hướng dẫn TTSP cho giáo sinh; Các công việc cụ thể của giáo sinh trong quá trình TTSP; Kiểm tra, đánh giá kết quả TTSP…để sinh viên và các trường phổ thông cùng thực hiện.

– Hằng năm, trước khi đưa sinh viên đi TTSP, nhà trường đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác TTSP (luân phiên tại các địa phương) với sự tham gia của Lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Ban chỉ đạo TTSP của nhà trường, các trường phổ thông có sinh viên TTSP, lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương, các giảng viên của nhà trường tham gia công tác TTSP. Tại hội nghị này các ý kiến đã được  tham luận, trao đổi thẳng thắn, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết của công tác TTSP hiện nay.

– Nhiều năm qua, nhà trường đã quan tâm, đầu tư và tập trung bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của trường. Hằng năm mở các lớp tập huấn, tổ chức nhiều hội thảo, sêmina về xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, về phương pháp dạy học, sử dụng CNTT vào dạy học, kiểm tra đánh giá. Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên. Tổ chức cho giảng viên và cán bộ quản lý tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia, quốc tế, phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

– Để chuẩn bị về nghiệp vụ cho sinh viên đi TTSP, nhiều năm qua nhà trường đã đầu tư hiệu quả cho công tác rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên cho sinh viên. Nhà trường đã thành lập Viện nghiên cứu Sư phạm (Trước đây là Trung tâm NVSP). Viện đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài trường, các giảng viên của Bộ môn TLGD, các giảng viên của Tổ PPGD các khoa, tập trung rèn cho sinh viên hệ thống kỹ năng dạy học và kỹ năng giáo dục như: Kỹ năng soạn giáo án; kỹ năng lập Kế hoạch chủ nhiệm; kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; kỹ năng trình bày bảng, viết bảng; kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kỹ năng tổ chức hoạt động Đoàn, Đội; kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm và các kỹ năng mềm khác.

– Tổ chức tuyển chọn và tập huấn công tác cho các Trưởng, Phó đoàn TTSP, để đội ngũ này làm tốt nhiệm vụ của mình tại các đợt TTSP.

– Cử giảng viên (Là các giảng viên có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn giỏi) đến dự và góp ý các giờ giảng của sinh viên và tham gia các hoạt động chuyên môn tại các đoàn TTSP.

– Tổ chức đoàn cán bộ đi thăm và kiểm tra TTSP để nắm bắt, hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ, về công tác chủ nhiệm, kịp thời giải quyết các khó khăn nảy sinh cho sinh viên. Ngoài ra, các đoàn này, còn tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thảo, sêmina chuyên đề, tư vấn hiệu quả, làm “cầu nối” liên kết giữa nhà trường với các trường phổ thông.

– Sau mỗi đợt TTSP, nhà trường đã tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm về toàn bộ qúa trình TTSP, có sự tham gia của Ban Chỉ đạo TTSP, đội ngũ giảng viên đã làm nhiệm vụ hướng dẫn TTSP ở các trường phổ thông, giảng viên các tổ Phương pháp dạy học, Bộ môn TL – GD, các đơn vị liên quan và các Trưởng, Phó đoàn TTSP. Qua hội nghị này, nhà trường đã thu được các kinh nghiệm thực tiễn trong TTSP, kịp thời bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh nội dung, thời lượng, quy trình, tài liệu TTSP, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục và đào tạo.

Với sự đổi mới và đầu tư đúng hướng cho công tác TTSP, kết quả TTSP của nhà trường trong nhiều năm qua là rất cao. Căn cứ bảng tổng hợp kết quả TTSP năm học 2015-2016 cho thấy, 100% sinh viên đạt loại Khá, Giỏi đợt 1 và 99,7% sinh viên đạt loại Giỏi đợt 2. Các trường phổ thông đều đánh giá cao về kết quả TTSP, nhiều trường khẳng định rằng việc đầu tư và đổi mới về công tác TTSP, nhất là việc tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên là đúng hướng và hiệu quả tốt.

Như vậy có thể thấy rằng, mô hình TTSP hiện nay vẫn phát huy được thế mạnh, là khâu kiểm tra đánh giá sản phẩm đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên trong bối cảnh đổi mới như hiện nay, công tác TTSP đang đặt ra những yêu cầu mới cần được giải quyết đó là:

– Cần có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc phối hợp giữa các trường sư phạm với các Sở giáo dục, trong đó quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên về công tác TTSP để các bên chủ động liên hệ, phân công và tổ chức các hoạt động TTSP [5]. Cần làm rõ mục đích và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn và sinh viên thực tập. Giáo sinh vẫn còn bị động trong quá trình  thực tập sư phạm. Vẫn “còn có trường phổ thông chưa nắm vững được các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác TTSP” [5].

– Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa nhà trường với các trường phổ thông có sinh viên TTSP [5].

– Điều chỉnh nội dung, hình thức, thời lượng, nhất là bổ sung chỉnh sửa các biểu mẫu của tài liệu TTSP cho sát với thực tiễn giáo dục phổ thông [5], tiến tới xây dựng và hoàn thiện chương trình TTSP, góp phần hoàn thiện chương trình đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay./.

Một số hình ảnh về công tác Thực tập sư phạm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2:

Tài liệu tham khảo:  

[1]. Trường ĐHSP Hà Nội 2, Quy chế thực tập sư phạm (2016).

[2]. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN (2009,51-56).

[3]. Hoàng Thị Hạnh,  Kỹ năng cơ bản của sinh viên trong thực tập sư phạm, NXBGD 2016.

[4]. Trường ĐHSP Hà Nội 2, Tài liệu TTSP 2013.

[5]. Trường ĐHSP Hà Nội 2, Ý kiến đánh giá, kết luận của Hội nghị Triển khai công tác TTSP năm 2017 tại Hưng Yên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *